TÂM THỨC HỌC (3)

 

Tiếp theo các bài kỳ trước, hôm nay ta đề cập tới vài vấn đề gây ra do việc phát triển trí năng.
1. Vấn đề sinh ra do có sinh hoạt trí tuệ mạnh mẽ, gồm nhiều hình thức từ tinh thần giáo phái hẹp hòi cho tới việc có định kiến. Phần lớn đây là vấn đề của việc tạo hình tư tưởng, con người trở thành nạn nhân của điều mà anh tạo tác. Khuynh hướng này có thể thấy trong mọi trường phái tư tưởng, văn hóa và chính yếu là áp dụng cho hạng người lãnh đạo. Người này thường có khả năng suy nghĩ sáng suốt, rõ ràng; bởi nhân loại càng ngày càng định hướng về trí tuệ, trí não nhiều người sẽ gặp nhau và vấn đề gặp càng lúc càng nhiều. Vì lý do ấy, chuyện trở nên cần thiết là giáo dục con người về những điều sau:
- Bản chất của chất liệu cõi trí 
- Mục tiêu của cái trí.
a. Là phương tiện để thể hiện ý tưởng qua việc tạo hình tư tưởng để biểu lộ ý.
b. Là tác nhân kiểm soát của phàm ngã trong đời, qua việc sử dụng đúng đắn năng lực sáng tạo của tư tưởng.
c. Là cái phản chiếu cho những cảnh giới cao hơn, ý thức và cảm nhận trực giác.

Tư tưởng sáng tạo không giống như tình cảm sáng tạo, mà ít khi người ta hiểu được sự phân biệt này. Tất cả những gì có thể sáng tạo trong tương lai sẽ dựa trên việc biểu lộ ý tưởng; và việc này có được qua những chặng đầu tiên là cảm nhận tư tưởng, cụ thể hoá rồi làm linh động hình. Chỉ về sau khi hình tư tưởng được tạo rồi và đi xuống cõi tình cảm, được có thêm tính chất cảm dục làm cho hình  có vẻ mỹ lệ và mầu sắc thì tới đây người ta mới bắt đầu gặp nguy hiểm, vì nay hình có thể cầm giữ con người về trí tuệ lẫn tình cảm.
Nếu anh không có ý thức cân bằng, đúng tầm mức, không có óc khôi hài, hình tư tưởng có thể mạnh đến mức anh bị cuốn hút theo không đủ sức tách rời. Anh không thấy gì khác, không tin gì khác, không làm cho điều gì khác ngoại trừ cái ý tưởng thể hiện thành hình, trói buộc anh. Người như vậy là ai có tinh thần bè phái hung bạo trong bất cứ nhóm nào. Họ thường có bản tính tàn nhẫn, gặp trong các giáo phái và khoa học, sẵn lòng hy sinh hoặc gây hại cho bất cứ ai có vẻ thù nghịch với định kiến của họ về chuyện gì đúng hay sai. Thí dụ tệ hại nhất cho đường lối suy nghĩ này là các phán quan Tây Ban Nha trong tòa án tôn giáo khi xưa của Công giáo La Mã.
Ta gặp được người theo đuổi mù quáng các ý tưởng hoặc có lòng tôn sùng cá nhân trong mọi tổ chức, giáo hội, đảng phái chính trị hoặc ngành khoa học, nhóm bí truyền hay công truyền. Tâm lý họ không lành mạnh và tâm bệnh ấy có tính hay lây, anh là một hiểm họa giống như bệnh trái rạ là hiểm họa cho người. Mới đầu trong nhóm không xem anh có vấn đề về tâm lý cho tới khi anh bị nặng và bị xem là bất bình thường hoặc trở thành vấn đề cho nhóm. Đây là một bệnh rõ ràng về tâm lý và cần đối phó cẩn trọng, cũng như  khó giải quyết vì giai đoạn sơ khai con người có vẻ tốt lành, lý trí vững chắc, nhưng khi cái nhìn của anh về người khác và những chuyện khả hữu khác lớn hơn bị lu mờ hay bắt đầu tàn dần, khi một thuyết lý hay trường phái tư tưởng, hay bất cứ giảng dạy nào chiếm trọn tâm trí anh tới mức gạt bỏ mọi quan điểm khác hay sự khả hữu khác thì khi ấy ta có thể nhận ra mầm mống của tâm bệnh và anh bị hiểm nguy. Đó cũng là giây phút mà trọn khả năng trí tuệ có thể có của anh nay được sử dụng chỉ vào một đường hướng duy nhất như  thành công trong thương nghiệp, thắng thế về tài chánh. Vào giây phút đó con người gặp vấn đề về tâm lý.
Cái trí chiếm ưu thế trong phàm nhân của người như vậy nên khi có hiểu biết nhiều hơn về phàm nhân, lúc ấy bất cứ sự nhấn mạnh quá đáng nào về chủ thuyết, nghề nghiệp, tư tưởng sẽ bị xem là triệu chứng đáng ngại, và sẽ có nỗ lực làm hai điều là có sự phát triển toàn vẹn hơn và sự hữu ý hòa hợp với linh hồn và với nhóm.

2. Tham thiền
Tham thiền và cảm nhận chuyện tâm linh không phải lúc nào cũng cho ra kết quả tốt lành. Ta hãy nói trước về tham thiền. Sự miệt mài định tâm dẫn tới chú ý không đúng chỗ, có thái độ sai lầm và lối sống chống đối xã hội, cũng là một hình thức tham thiền, nhưng đó là sự tham thiền hoàn toàn nằm trong một phần nhỏ của trí não người. Nó giới hạn họ, gạt ra không có tiếp xúc nào với những cảm nhận khác của trí não, đưa tới việc quyết tâm mạnh mẽ không có đường thoát nào ngoại trừ não bộ, xuyên qua dục vọng.
Ngược lại, lối tham thiền mà ta thường nói tới là việc tập trung tư tưởng và thái độ liên quan đến điều nằm ngoài thế giới trí tuệ. Nó là một phần của nỗ lực khiến anh tiếp xúc được với thế giới sống động và hiện tượng nằm bên ngoài điều ta biết, tức hàm ý có sự mở rộng, bao trùm và giác ngộ. Sự mở rộng và thái độ ấy không làm con người trở thành chống đối xã hội hoặc giam hãm họ trong nhà tù do chính họ tạo ra. Thay vào đó nó sẽ biến họ thành công dân của thế giới, khiến nẩy sinh trong lòng họ mong ước hòa hợp với đồng loại, làm họ thức tỉnh với những thực tại và vấn đề cao hơn, chiếu rọi ánh sáng vào những chỗ tối tăm trong đời họ và vào nhân loại như là một khối. Những vấn đề mà tham thiền lối này sinh ra sẽ ngược lại với lối kể trên, dầu vậy đó là vấn đề có thật và bởi thế giới ngày nay có đông đảo người thông minh tập tham thiền, ta phải nói đến các khó khăn ấy.
Nhiều yếu tố hợp lại sinh ra khuynh hướng tập tham thiền, khi thì đó là tình trạng kinh tế khiến người ta phải định tâm, và định tâm là một trong những bước đầu tiên của việc tham thiền; khi khác người ta cảm thấy sự thúc giục làm việc sáng tạo, theo đuổi một đề tài và sinh ra chú tâm. Dù tư tưởng của họ chỉ thuần lý trí có tính từ chương (academic) hoặc có chút ít tỏ ngộ thì sự kiện vẫn là có những vấn đề nghiêm trọng sinh ra, có tình trạng nguy hiểm, bản tính thấp cần thích ứng với đòi hỏi có tính cao hơn bằng không sẽ gặp khó khăn, và người ta phải có những điều chỉnh cần thiết mà nếu không có thì khó khăn về mặt tâm lý, bệnh tâm thần, thần kinh rối loạn sẽ xẩy ra không tránh được.
Lý do là con người thấy, biết và cảm nhận nhiều hơn họ có thể làm được trong ba cõi, và không ý thức thế giới đúng nghĩa của linh hồn. Họ đã mở cửa làm nhiều năng lực, mạnh hơn những lực mà họ quen sử dụng, tràn vào. Năng lực tinh thần này đối nghịch với năng lực từ lâu đã thành nếp của phàm ngã, sinh ra căng thẳng và khó khăn, trừ phi người ta có sự hiểu biết đúng đắn xung khắc ấy, kết quả tệ hại có thể sinh ra mà tâm lý gia phải chuẩn bị đối đầu. Nỗ lực tham thiền làm con người mở cửa bước vào một thế giới mới nhiều hiện tượng, có được những ấn tượng mới mẻ và khác lạ quá khiến họ không biết phải làm gì, tình trạng này đòi hỏi phải có sự thích ứng quân bình và cẩn thận giải quyết.
Chuyện thấy rõ là khi có tâm trí vững chãi, tập luyện được chỉ dẫn đúng cách thì người ta sẽ có nhận định đúng tầm mức, khả năng diễn dịch, tính kiên nhẫn chờ đợi tới khi có hiểu biết đúng đắn, và óc khôi hài vui vẻ. Khi không có những điều này thì tùy theo loại tâm tính và mức cảm nhận mà người ta có sự hoang mang, không hiểu chuyện gì đang xẩy ra, coi trọng quá mức hiện tượng và phản ứng của phàm ngã, thấy hãnh diện là có thành đạt, đầy mặc cảm tự ti, nói quá nhiều, chạy đông chạy tây để tìm lời giải thích, trấn an, sự thoải mái, thấy có tình liên đới với ai cảm nhận chuyện tương tự mà cũng có thể tri thức bị rối mù hoàn toàn, tế bào não xáo trộn vì bị căng thẳng quá sức.
Người ta có thể cảm thấy phơi phới, lâng lâng do tiếp xúc với thế giới mới và có thúc đẩy trí tuệ mạnh mẽ, nhưng thường khi kết quả là sự u sầu, dựa trên cảm nhận là mình không đủ sức nắm lấy cơ hội đã thấy. Con người thấy và biết quá nhiều, anh không còn thỏa mãn với lối sống, lý tưởng và mãn nguyện cũ; anh đã chạm được vào cảnh giới rộng lớn hơn, ý tưởng mới mẻ sống động, tầm nhìn xa hơn và nay mơ tưởng chúng. Đời sống của linh hồn đã làm anh mê say, lôi cuốn anh nhưng bản tánh của anh, môi trường, tính chất các thể và cơ hội có vẻ như  làm anh bực bội luôn, và anh cảm thấy mình không thể bước vào thế giới mới lạ kỳ thú này. Anh cảm thấy phải có sự nhượng bộ, phải sống trong cùng tâm trí như trước đây, anh nghĩ như thế và quyết định như thế.
Tham thiền thành công dẫn đến sự mở rộng tâm thức không nhất thiết phải có tính tôn giáo hay hiện tượng được gọi là huyền bí. Nó có thể xẩy ra theo sinh hoạt trong đời của họ vì không có sinh hoạt nào trong đời, nghề nghiệp, hay tình trạng nào mà không thể mở cửa cho ta bước vào thế giới ao ước rộng lớn hơn, đưa anh lên đỉnh cao thấy được chân trời bao la hơn, và có được viễn ảnh to lớn hơn. Người ta phải học nhận ra là lối suy nghĩ của mình, nghề nghiệp, xu hướng trong đời, tính chất của cái tôi chỉ là một phần trong trọn khối lớn hơn, và chuyện phải làm là hòa nhập một cách ý thức sinh hoạt trong đời nhỏ bé của họ vào sinh hoạt của thế giới.
Chúng ta gọi kết quả của tham thiền là sự tỏ ngộ (illumination) vì không có chữ khác hay hơn. Mọi kiến thức đều là một hình thức của sự sáng vì nó mang ánh sáng vào những vùng mà trước đây ta không ý thức. Mọi minh triết cũng là một hình thức của sự sáng, vì nó tỏ lộ cho ta một thế giới ý nghĩa nằm đằng sau hình thể bên ngoài. Mọi hiểu biết là lời kêu cầu sự sáng vì nó khiến ta ý thức, biết đến nguyên do sinh ra hình thể bên ngoài chung quanh ta (kể luôn hình thể của ta), và điều gì chi phối thế giới ý nghĩa mà hình thể là biểu lộ.
Nhưng khi mới thấy sự kiện này, nắm được ý, và khi mới có sự tỏ lộ ban đầu, khi cảm nhận vị trí của một phần trong toàn thể, và thoạt đầu khi ta tiếp xúc với cảnh giới mà thế giới nhỏ bé của chúng ta chỉ là một phần trong đó, luôn luôn có giây phút khủng hoảng và một lúc nguy hiểm. Rồi khi người ta quen thuộc dần, tiến sâu hơn qua khung cửa tự tay ta mở, quen với ánh sáng chiếu rọi vào đời sống hằng ngày thì những nguy hiểm tâm lý khác thành hình. Con người gặp nguy hiểm vì nghĩ rằng những gì họ thấy là chỉ có bấy nhiêu thôi và do đó – ở vòng xoắn cao hơn và theo nghĩa rộng hơn – ta lập lại nguy hiểm đã nói trước đây là nhấn mạnh không đúng chỗ, chú trọng lầm chỗ, có óc thiển cận và có định kiến.
Con người bị ám ảnh với ý tưởng về linh hồn và quên rằng linh hồn cần vận cụ để biểu lộ; ta bắt đầu sống trong thế giới trừu tượng tách biệt về cảm xúc, không còn liên quan với cuộc sống thực tại ở cõi trần. Do đó ta lập lại – một lần nữa ở vòng xoắn ốc cao hơn – tình trạng đã nói qua là không có chân ngã trong đó, nhưng nay đảo ngược lại là không có sự sống hình thể thực sự hiện diện trong tâm thức. Nay ta chỉ biết thế giới của linh hồn và ham muốn có hoạt động sáng tạo. Ta không còn màng đến sinh hoạt trong đời sống hằng ngày ở cõi trần, mà hóa ra mơ mơ màng màng, không thực tế, mộng tưởng viễn vông. Tâm trí này nguy hiểm nếu để cho kéo dài.
Trong đa số trường hợp, cách giải quyết có giá trị chỉ dựa vào lý lẽ thông thường, cùng nỗ lực cho bệnh nhân hiểu rằng khó khăn nhỏ lúc ban đầu có thể biến thành tình trạng nghiêm trọng. Ta có thể đề cập sơ qua trường hợp là với nhiều người cái trí hoạt động cái trí hoạt động quá mạnh, nắm bắt và thấy quá nhiều, đôi khi rất mau lẹ và khi khác thì chậm chạp hơn. Cái trí biết là nó có quá nhiều hiểu biết, và điều này sinh ra bất thường trong cách tổ chức đời sống, có quá nhiều biến thái, dễ dàng trôi đó đây, chộn rộn không ở yên một chỗ nên anh hằng ở trong trạng thái quay cuồng sôi động. Trong khi những điều này diễn ra thì anh ý thức là mình trụ ở trung tâm và diễn giải tất cả những sinh hoạt trí tuệ, những tiếp xúc mà anh có được, việc phân tích không ngừng mà anh hay bị lôi cuốn vào, và việc không ngừng lập kế hoạch cho thấy đó không những là anh có khả năng trí tuệ, mà còn có sự sáng suốt và hiểu biết tinh thần.
Chuyện sinh ra tình trạng khó khăn cho tất cả những ai liên hệ với anh và tiếp tục thường xuyên trong một thời gian dài; bao lâu mà tình trạng này kéo dài thì người ta không thể làm được gì mấy. Tâm trí thay đổi luôn, việc không ngừng tạo ra hình tư tưởng thường xuyên chiếm trọn hết trí não của anh khiến cho tâm thức không còn ghi nhận được gì.  Anh bận tâm với kế hoạch vĩ đại, mô hình  rộng lớn, điều này nối kết với điều kia, cộng thêm việc ra công áp đặt chúng lên người khác và kêu gọi họ trợ lực để thực hiện một khối những ý tưởng không liên can gì với nhau; nếu không được trợ lực thì có chỉ trích.
Trong lúc đó, không có nỗ lực thực sự nào để thực hiện các chương trình và ý tưởng này và hoàn tất chúng, trọn kế hoạch vẫn chỉ là khuynh hướng ở cõi trí, trong tình trạng mơ hồ nguyên thủy. Nỗ lực muốn thấy nhiều hơn, nắm bắt nhiều hơn, hiểu chi tiết hơn và mối tương quan chiếm trọn mức chú tâm của anh, và không còn năng lực để thực hiện những bước đầu tiên dẫn đến việc vật chất hóa nơi cõi vật chất theo kế hoạch dự trù. Nếu tâm trạng này kéo dài quá lâu nó sinh ra căng thẳng tâm trí, thần trí suy sụp và đôi khi có khó khăn trọn đời.
Giải thích thêm thì ánh sáng mà anh tiếp xúc được trong lúc tham thiền làm lộ ra những hình tư tưởng ở mức độ mà anh chưa quen, chúng gây ấn tượng mạnh mẽ, lớn lao quá đỗi nên anh cho rằng đó phải là những chuyện thiêng liêng và do vậy, quí giá hơn hết thẩy. Bởi anh vẫn còn trụ trong tâm thức của cái ngã, còn đầy lòng kiêu hãnh và tham vọng tinh thần mà không ý thức, anh cảm thấy mình có những chuyện vĩ đại phải làm. Không dễ sống với ai bị cơn sốt trí não như thế, vì họ chỉ trích ai không quí chuộng các tư tưởng tràn vào đầu óc đang làm họ bừng bừng cuồng nhiệt, ai mà họ quen biết phải giúp họ thực hiện, bằng không sẽ bị xem là kém cỏi.
Ta đưa ra thí dụ trên vì vào lúc này nhiều điều kiện hợp lại tạo nên khó khăn vừa nêu. Con người vừa phát triển trí năng cao độ mà cũng bắt đầu tham thiền, chú tâm hơn. Họ bắt gặp ảnh hưởng của Thiên đoàn (Hierachy) do lý tưởng của họ, tiếp xúc với những hình tư tưởng do các ngài hoặc các đệ tử tạo ra; nhưng vì theo đuổi quá nhiều mộng tưởng, cuối cùng họ không thành đạt được gì. Đó là lý do khiến nhiều người thông minh mà đời sống có vẻ vô ích.
Chữa trị lại đơn giản. Hãy để người bị như vậy tự nhận ra sự vô ích của đời sống trí tuệ. Rồi hãy để anh chọn lựa một trong những phương pháp làm việc để nhờ đó kế hoạch mà anh cảm nhận có thể được thực hiện, hãy để anh tự buộc mình thể hiện nó nơi cõi trần và bỏ đi tất cả những điều khác. Theo cách ấy, anh có thể bắt đầu kiểm soát và có tiết độ với trí não, và hoàn thành được công chuyện dù là rất nhỏ. Anh bắt đầu có đóng góp và xây dựng, hăng hái thực hiện một  kế hoạch đã chọn, dùng hiểu biết và óc xét đoán thông thường.

 

Sách Tham Khảo:

- Esoteric Psychology, A.A.Bailey

 

Xem Tâm Thức Học (4)

 

leaf1leaf1egyptgeesleaf1